CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI DU LỊCH MIỀN TÂY



Bún nước lèo là món ăn đặc sản nổi tiếng và phổ biến số một ở Trà Vinh, đến nỗi giới “sành điệu” thường bảo nhau: “Chưa ăn bún nước lèo xem như chưa đến Trà Vinh!”. Bún nước lèo còn thể hiện sự giao lưu văn hóa, tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc Trà Vinh. Nó được người Việt chế biến từ mắm bò hốc của người Khmer, có thêm món thịt heo quay của người Hoa.

Nguyên liệu chính để nấu món này là mắm bò hóc. Đây là loại mắm được làm từ nguyên liệu cá hỗn hợp. Mắm phải đạt các tiêu chuẩn, có hương vị và tan nhanh trong nước sôi. Để nước ngọt, người ta dùng thêm các loại cá như: lóc, kèo, tra, ngát hay tôm, tép... Trước khi nấu, phải làm cá thật sạch rồi cho vào nồi nước đang sôi luộc kỹ. Khi cá chín, gỡ xương rồi chà thịt cho thật tơi. Mắm bò hóc cũng nấu trong nước sôi cho thịt mắm tan ra, sau đó đem lược xương thật kỹ. Tỏi, ớt và một ít riềng băm nhuyễn, trộn đều với thịt cá cho thơm. Nấu sôi nước mắm, bắc chảo nóng xào thịt cá cho thấm rồi đổ vào nồi nước lèo, nêm gia vị, chờ nước lèo sôi thì vớt bọt.
Ăn bún nước lèo cần có rau ghém, gồm: bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng xắt theo chiều ngang, trộn đều với một ít rau thơm xắt nhuyễn. Vào mùa điều, có người còn thích băm một vài trái điều cho vào rau ghém để có vị ngon hơn.
Khi ăn, cho bún vào tô, dội nước lèo thật nóng lên trên. Đĩa rau ghém ăn miếng nào trộn miếng ấy chứ không dội nước lèo lên rau, dễ làm rau úa, mất ngon. Món ăn này sẽ kém phần thú vị nếu thiếu chén muối ớt với những trái ớt hiểm thật cay. Người ta cũng thường ăn chung bún nước lèo với thịt heo quay, huyết (tiết) heo luộc hay bánh giá, chả giò... Nhưng dù ăn chung với thức ăn nào đi nữa, bún nước lèo ngon vẫn do mùi vị của nồi nước lèo quyết định. Nước lèo nấu theo truyền thống của người Khmer là phải dùng nồi đất.
Bún nước lèo là món ăn bình dân mà lại mang đậm hương vị, nếu có dịp về Trà Vinh, mời bạn dừng chân tại một quán ăn nào đó bên đường và gọi một tô bún nước lèo để thưởng thức, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khác hẳn những loại bún thường ăn. Đó cũng chính là ấn tượng khó phai khi bạn tới thăm vùng đất này.




Gánh bún nước lèo tại Ao Bà Om, thị xã Trà Vinh































Có thể nói cùng với Sóc Trăng, Trà Vinh là một trong hai "kinh đô" của bún nước lèo - một loại thức ăn đậm đà bản sắc của cộng đồng người dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long.
Chỉ gói gọn một tô vậy mà thực khách sẽ được thưởng thức từ vị ngọt mặn thấm trong từng sợi bún trắng tinh, mềm mại cùng với những miếng thịt cá lóc, lại còn nhẩn nha nhai từng miếng bánh giá (bánh cống) giòn rụm nữa chứ.
Là một món ăn dân dã được dùng lót lòng trong những buổi sáng của những người lam lũ với ruộng đồng, nên bản thân bún nước lèo là thứ quà giản dị, chân phương. Nó được bày bán bên vệ đường với đôi gánh, một đầu để cái trã (nồi đất) lớn chứa nước lèo ủ nóng bằng trấu; đầu gióng còn lại đựng xề bún, tô, đũa, giấm, muối ớt, rổ rau ghém... Khách đến, người bán xé rời từng cọng bún cho vào tô, rải rau ghém lên trên, chan mấy vá nước lèo nóng hổi, rồi gài đôi đũa gọn gàng vào mép tô, nặn chanh (hoặc chan giấm), gắp miếng muối ớt (không dùng nước mắm vì sẽ khiến tô bún bị "chua") cho vào tô, trộn đều trước khi ăn. Dù chỉ có thịt cá lóc rỉa, thịt heo quay vàng ruộm, bánh giá nóng giòn, vài miếng huyết heo nhưng món ăn đơn giản ấy mới thiệt là ngon khiến khách ăn xong một tô còn thòm thèm muốn ăn thêm tô nữa, vì bao nhiêu tinh túy của cá lóc đã thấm vào từng sợi bún, hòa tan trong nước lèo.
Nhưng tô bún dân dã lại có nguyên tắc của nó khi bún phải được làm từ loại gạo lúa mùa dai và ngọt; rau ghém phải đủ giá sống, bắp chuối và hẹ. Hẹ là những cọng ốm nhỏ nhưng giòn và ngọt nồng, gọi là hẹ hương. Giá sống dù không to cọng nhưng có vị lạt hậu ngọt. Bắp chuối sử dụng cả lớp vỏ đỏ bên ngoài chung với lõi, không ngâm trong phèn hoặc hàn the. Tất cả đều được trồng theo phương pháp truyền thống, không bón phân hóa học, nghĩa là phục vụ khách ăn những loại rau sạch. Nhưng trên hết, để tô bún đạt yêu cầu cần phải có nước lèo và cá lóc. Nước lèo được nấu bằng mắm prò-hốc, cho vị mặn nồng nàn, thơm lựng mũi. Khi mắm đã rã hết trong nồi nước sôi được hớt bọt nhiều lần, người ta mới cho thịt cá lóc nghiền nhỏ, ướp với sả ớt cùng các loại gia vị khác vào nồi. Đơn giản nhưng nếu đã ăn nhiều lần, đã là người sành ăn rồi, bạn mới thấy bún nước lèo Trà Vinh quả là "danh bất hư truyền". Để có những tô bún ấy, ngoài những phum, sóc xa xôi, bạn cũng có thể tìm thấy trong một "sạp" bên trái chợ Trà Vinh cũng được bán với giá rẻ bất ngờ: 2.000 đồng/tô.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Chat với chúng tôi